THIẾT BỊ Á CHÂU, đối tác của bạn trong lĩnh vực máy CHẾ BIẾN & ĐÓNG GÓI - Thực phẩm!

Blog

Back to Blog
Quảng Ninh định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững

Quảng Ninh định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững


Quảng Ninh là tỉnh ven biển có nhiều lợi thế nổi bật trong phát triển kinh tế thuỷ sản nhờ vị trí địa lý thuận lợi và sở hữu nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao…

Định hướng phát triển ngành theo hướng công nghiệp và phục vụ du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, giúp kinh tế thuỷ sản chuyển dịch theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển. 

Năm 2019, mẻ tôm giống đầu tiên 12 triệu con được Tập đoàn Việt – Úc sản xuất từ nhà máy tại huyện Đầm Hà, giúp Quảng Ninh chủ động nguồn con giống chất lượng cao, trở thành một trung tâm tôm giống của khu vực phía Bắc. Hiện, toàn tỉnh có 19 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản các loại, cung ứng ra thị trường hơn 2,5 tỷ con giống mỗi năm. 

Việc xoá điểm nghẽn về con giống giúp nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Quảng Ninh có bước tiến mới. Với lợi thế đường bờ biển hơn 250km, sở hữu hơn 60.000 ha bãi triều, rừng ngập mặn, 20.000 ha eo, vịnh, Quảng Ninh đã chuyển dịch từ nuôi trồng thuỷ sản phụ thuộc vào tự nhiên, quảng canh sang tập trung vào các đối tượng chủ lực theo quy trình công nghiệp. Trong 32.000 ha tổng diện tích thuỷ sản, tôm thẻ chân trắng chiếm hơn 7.500 ha, ngoài ra còn có nhuyễn thể (hàu, ngao, trai cấy ngọc) 9.500 ha, cá biển (song, chim vây vàng, cá giò..) 2.200 ha. Công nghệ sản xuất tiên tiến ngày càng được nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cá biệt có mô hình nuôi tôm đạt năng suất trên 100 tấn/ha/vụ. 

quang ninh dinh huong phat trien nuoi trong thuy san ben vung hinh anh 1

Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại Quảng Ninh đạt năng suất cao, trung bình từ 10-30 tấn/ha/vụ

9 tháng năm 2022, sản lượng nuôi trồng của Quảng Ninh đạt gần 59.000 tấn, chiếm hơn 50% tổng sản lượng thuỷ sản, diện tích nuôi trồng tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Ngọc Ấm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP thuỷ sản BNA Ba Chẽ, đơn vị sản xuất chế biến hiện đang thu mua trên 500 tấn thủy sản/tháng của các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng tại địa phương nhận định: “Trong tỉnh Quảng Ninh các đơn vị đều mạnh, từ giống, nuôi trồng số lượng lớn, rất gần xuất sang thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp Quảng Ninh cũng chịu khó đầu tư công nghệ, bài bản về máy móc, ao nuôi. Đó cũng là lợi thế của các doanh nghiệp trong tỉnh, do đó cần kết nối lại tạo thành chuỗi để gia tăng thu nhập cho người nuôi, tạo ra giá trị thực cho con tôm Quảng Ninh”.  

quang ninh dinh huong phat trien nuoi trong thuy san ben vung hinh anh 2

Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà nghiên cứu, sản xuất giống tôm thích ứng với điều kiện khí hậu của tỉnh Quảng Ninh

Mặc dù có lợi thế nổi bật, nhưng khi so sánh với các tỉnh ven biển có nghề nuôi tôm và nuôi biển trong cả nước, sản lượng nuôi tôm của Quảng Ninh đứng thứ 9/29, năng suất chỉ đứng thứ 21/29. Về nuôi biển, các chuyên gia nhận định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, hạ tầng cơ sở vùng nuôi tại Quảng Ninh chưa theo kịp yêu cầu sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, vẫn chưa hình thành được chuỗi giá trị sản xuất bền vững, giá thành cao, tính cạnh tranh thấp.

Việc tập trung quá mức nuôi cá biển, nhuyễn thể ven bờ cũng đang làm tăng áp lực môi trường nuôi, dịch bệnh phát sinh nhiều, năng suất thấp. Hạn chế trong kiểm soát quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc chưa phù hợp với nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.

Ông Ngô Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Không phải không đủ nguyên liệu mà nguyên liệu đó chưa đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là đối tượng nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Để đáp ứng được vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu thì chúng ta phải quy hoạch, phân khu, làm đúng theo quy trình, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay Quảng Ninh nguyên liệu nhiều nhưng chỉ phục vụ nội địa, do đó tỉnh cần có chính sách quy hoạch, đủ điều kiện xuất khẩu nước ngoài, đó mới là yếu tố phát triển kinh tế biển”.   

quang ninh dinh huong phat trien nuoi trong thuy san ben vung hinh anh 3

Vật liệu HDPE được chuyển đổi thay thế cho vật liệu phao xốp trong nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển

Từ định hướng của Quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh đang tập trung vào công tác quy hoạch, phối hợp xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn, đặc biệt là chuyển nuôi biển tự phát, quy mô nhỏ sang nuôi thương mại, quy mô lớn; thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát huy hạ tầng các trung tâm sản xuất tập trung; đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất tới cung ứng giống, thức ăn, vật liệu đầu vào cho đến chế biến và thương mại; nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường…

Đến hết tháng 9/2022, Quảng Ninh đã thay thế, chuyển đổi được 1 triệu/3 triệu quả phao bằng vật liệu HDPE thân thiện với môi trường. Cùng với đó là đầu tư 26 trạm quan trắc môi trường biển tự động; mỗi năm thả hàng triệu con giống tái tạo các loại thuỷ sản có nguy cơ cạn kiệt … 

quang ninh dinh huong phat trien nuoi trong thuy san ben vung hinh anh 4

Ngành nuôi trồng thuỷ sản Quảng Ninh hướng tới đồng bộ từ tổ chức sản xuất tới cung ứng giống, thức ăn cho đến chế biến và thương mại

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam khuyến nghị: “Xu hướng phát triển nuôi biển là di chuyển từ ven bờ ra xa bờ hơn, tiến ra nuôi đại dương, điều này phải gắn với công nghệ. Tiếp theo là phải tích hợp với các ngành kinh tế khác, trước hết là du lịch vì Quảng Ninh là tỉnh du lịch cho nên sự tích hợp của 2 ngành này là cần thiết, cùng nâng cấp lên để đảm bảo cho môi trường”.

Mục tiêu của Quảng Ninh trong năm 2022 là tăng 74% sản lượng tôm với trên 24.500 tấn; nuôi biển trên 52.000 tấn. Qua đó đưa sản lượng tôm, cá biển và nhuyễn thể vươn lên đứng top 5 về sản lượng và top 10 năng suất trung bình trong cả nước. Về lâu dài, phát triển nuôi tôm và nuôi biển được định hướng trở thành ngành kinh tế trọng điểm, không chỉ đóng góp vào thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ mà còn giúp bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên các vùng biển quốc gia./.

Bảo Ngọc (Theo VOV)



Nguồn tin: vasep.com.vn

Share this post

Back to Blog
has been added to your cart.
Thanh toán