THIẾT BỊ Á CHÂU, đối tác của bạn trong lĩnh vực máy CHẾ BIẾN & ĐÓNG GÓI - Thực phẩm!

Blog

Back to Blog
Trước “điểm rơi” tác động của lạm phát

Trước “điểm rơi” tác động của lạm phát


Dự kiến “điểm rơi” tác động của lạm phát sẽ thể hiện trong năm 2023, mà theo đó là lãi suất và ứng xử tiêu dùng. Ngành thủy sản chủ động các giải pháp để vượt qua khó khăn dự báo sẽ đậm nét hơn trên các thị trường.

Những khó khăn đó cũng đã sớm bộc lộ từ nửa sau của năm 2022, dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vừa đạt một năm kỷ lục. Trao đổi trước thềm Xuân Quý Mão 2023, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tiếp tục nhấn mạnh những thách thức chuyển tiếp sang năm mới, nhưng kỳ vọng đà phục hồi sẽ sớm trở lại.

Nhận diện sớm những khó khăn 

Trong năm vừa qua, ngành thủy sản vượt nhiều khó khăn để đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD. Những yếu tố nào đã làm nên kỳ tích này, thưa ông?

Nói là kỳ tích thì không hẳn, vì 6 tháng cuối năm xuất khẩu thủy sản giảm tốc, đặc biệt trong quý 4/2022. Tuy nhiên, hoàn thành doanh số ở mức 11 tỷ USD là nỗ lực của các doanh nghiệp, với tăng trưởng tập trung 6 tháng đầu năm 2022 khá mạnh, bởi các yếu tố.

Thứ nhất, những khó khăn được nhận diện rất sớm, như chiến tranh làm cho giá cả tăng cao trong giai đoạn đầu năm, song chúng ta vẫn duy trì sản xuất nuôi trồng để có đủ nguyên liệu khi các thị trường có dấu hiệu hồi phục và tăng mua thì có đủ nguồn cung cho thị trường sau dịch.

Cùng với quyết tâm của Chính phủ trong việc khuyến khích sản xuất và đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo phải quyết tâm giữ tốc độ sản xuất, cùng sự kiên trì của doanh nghiệp đã giúp ngành thủy sản có đủ nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Nhưng quan trọng hơn hết là tinh thần và nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong thời điểm khó khăn đã góp phần đưa đến kết quả hôm nay, vì 70% nguyên liệu thủy sản đến từ nuôi trồng.

Thứ hai, giai đoạn đầu năm giá thành sản xuất cao nên giá xuất khẩu cũng tăng lên so với năm trước. Xuất khẩu thủy sản chỉ tăng khoảng 5% – 6% về lượng, nhưng giá bán tăng khá nhanh từ 15% đến 20% trong 6 tháng đầu năm đã đẩy doanh số xuất khẩu tăng cao hơn. Nhận diện được điều này để có sự đánh giá đúng về thị trường và có những biện pháp cho năm sau.

Thứ ba, dù Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách “zero COVID” nhưng nhờ thuận lợi về địa lý cùng với cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp đã giúp tăng trưởng ở thị trường Trung Quốc khá tốt, thậm chí sản phẩm cá tra tăng đến 60% so với năm 2021.

Trước “điểm rơi” tác động của lạm phát

Nhìn chung, nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và theo đuổi mục tiêu phục hồi kinh tế nhanh chóng của Chính phủ đã giúp ổn định sản xuất trong 6 tháng đầu năm. Cùng với đó là sự kiên trì vượt qua thách thức, kịp thời gia tăng hoạt động thị trường của các doanh nghiệp sau dịch đã giúp ngành thủy sản phục hồi rất sớm và có được doanh số xuất khẩu cao như vậy.

Tập trung cho bón vấn đề chính 

Có những dự báo năm 2023 xuất khẩu thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn. Vậy VASEP có những khuyến nghị gì gửi đến nông dân và doanh nghiệp để chủ động hơn?

Mặc dù chúng ta đã đối diện với những khó khăn của lạm phát xảy ra từ quý 4/2022, nhưng tôi cho rằng “điểm rơi” tác động lạm phát sẽ vào năm 2023, và chúng ta đã chuẩn bị cho năm 2023 thông qua sự sụt giảm của thị trường cuối năm 2022.

Thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu khi tồn kho đã cạn trong một thời gian thì chắc chắn thị trường sẽ hồi phục. Do vậy, VASEP đã đưa ra một giải pháp chung khuyến nghị các doanh nghiệp cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất trong giai đoạn cuối năm 2022 và quý 1/2023.

Dự báo Trung Quốc sẽ mở cửa vào đầu năm 2023 hoặc cuối quý 1/2023. Khi Trung Quốc mở cửa ngoài tác động gia tăng nhập khẩu thủy sản từ thị trường này, cũng có những tác động đến tâm lý tiêu dùng của các quốc gia khác. Thử hình dung khi Trung Quốc mở cửa thì việc đi lại của người dân và du lịch sẽ tăng lên, chuỗi cung ứng không còn khó khăn như trước sẽ khiến tiêu dùng thực phẩm tăng lên không chỉ ở Trung Quốc, mà kể các quốc gia khác. Từ tác động này thị trường sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối quý 1/2023.

Với những dự báo trên, doanh nghiệp cần tập trung vào bốn vấn đề.

Một là với mức lạm phát như hiện nay và theo đánh giá các thị trường thì nhu cầu không thể tăng lên nhanh chóng được. Và năm 2023, thị trường châu Âu sẽ có nhiều khó khăn, trong khi đó lãi suất ở Hoa Kỳ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong một thời gian dài cũng là thách thức đối với việc giao nhận và nhu cầu thủy sản.

Do vậy, trước tiên doanh nghiệp phải đảm bảo khỏe tài chính vững mạnh đầu năm 2023 để đảm bảo sản xuất không gặp khó khăn; không vay nợ nhiều và không sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, để khi thị trường nóng lên tiếp tục cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Hai là duy trì tốt lực lượng lao động chủ chốt để duy trì sản xuất chờ khi thị trường phục hồi. Đây cũng là thách thức cho doanh nghiệp trong điều kiện đơn hàng hạn chế, nhiều đơn hàng hoãn hoặc chậm giao, dẫn đến áp lực tồn kho.

Ba là kịp thời nắm bắt thông tin, dự báo đúng thời điểm thị trường phục hồi và nhu cầu thị trường để ổn định cung ứng nguyên liệu. Các nhà nhập khẩu cũng đang đứng trước khó khăn như nhà xuất khẩu, cho nên vấn đề quan trọng lúc này là hai bên phải có sự tương tác thường xuyên để cùng nhau tìm ra các cơ hội khi thị trường ổn định trở lại để bắt nhịp thị trường, và cần có kế hoạch để hoạt động xuất khẩu ổn định hơn.

Bốn là duy trì nguồn cung nguyên liệu. Đặc biệt đối với cá tra và tôm cần có sự đánh giá đúng để duy trì chuỗi cung ứng kịp thời và nhịp nhàng, hay nói cách khác là phải động viên lẫn nhau để từ đó duy trì được mối tương quan giữa doanh nghiệp và người nuôi nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu, chờ khi thị trường hồi phục có được nguyên liệu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.

Trước “điểm rơi” tác động của lạm phát

Giá sẽ có xu hướng giảm 

Trước những khó khăn và dự tính như trên, VASEP có đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2023?

Tôi cho rằng còn quá sớm để đưa ra dự báo kim ngạch năm 2023 và liệu có duy trì được mức của năm 2022 không, vì với những thông số và những yếu tố của thị trường đang biến động rất nhiều như hiện nay sẽ rất khó. Tuy nhiên doanh nghiệp cần chú ý đến xu hướng thị trường, với tình hình lạm phát hiện nay chắc chắn giá sẽ có xu hướng giảm so với năm 2022.

Bốn thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản đang gặp rất nhiều thách thức liên quan đến lạm phát và suy thoái kinh tế. Song, chúng ta vẫn có thể hy vọng vào thị trường Trung Quốc, vì vậy cần tập trung để cân đối xuất khẩu giảm sút ở các thị trường khác.

Hy vọng Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì nhập khẩu, vì thị trường này đang tiêu thụ khá nhiều các sản phẩm thủy sản Việt Nam. Nếu thị trường Nhật Bản phục hồi sớm là yếu tố cần quan tâm ngay từ bây giờ.

Tại thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp giữ được nhịp của năm 2022 đã là một thành công lớn, vì trong bối cảnh lãi suất tăng cao chắc chắn không có bước đột phá doanh số tại thị trường này. Bên cạnh đó, mặt hàng tôm còn phải cạnh tranh với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ.

2023 sẽ là một năm đây thách thức với doanh nghiệp ở thị trường châu Âu, mong rằng các doanh nghiệp nhận diện hết những thách thức của thị trường này để có những điều chỉnh kịp thời duy trì sản xuất trong các giai đoạn tiếp theo của năm 2023.

Hy vọng thời điểm phục hồi của năm 2023 vào cuối quý 1, và nếu diễn biến của các thị trường không quá xấu thì 3 quý còn lại của năm 2023 vẫn có thể là thời điểm doanh nghiệp tập trung sản xuất, xuất khẩu để có được doanh số xuất khẩu tốt hơn và kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2022.

Xin cảm ơn những nhận định và khuyến nghị của ông.

Bảo Ngọc (Theo Nhịp sống kinh doanh)



Nguồn tin: vasep.com.vn

Share this post

Back to Blog
has been added to your cart.
Thanh toán