Chuyển hướng khai thác cá ngừ
Đối tượng chính để khai thác là cá ngừ vằn vì phù hợp với nhiều thị trường thay vì cá ngừ ăn sống chỉ có thị trường Nhật và Mỹ.
Ngày 9/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị chuyên đề tổ chức, khai thác, thu mua chế biến tiêu thụ cá ngừ.
Thông tin tại hội nghị cho biết, hiện đã có trên 1.500 tàu khai thác cá ngừ với sản lượng hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Ngư trường chủ yếu là quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên theo đánh giá của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong tất cả các khâu của nghề khai thác cá ngừ từ khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá đến tiêu thụ đều kém nên giá trị cá ngừ chưa tương xứng. Đây là rào cản lớn để khuyến khích ngư dân bám biển.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Tổng giám đốc Công ty Hải Vương, Khánh Hòa là công ty xuất khẩu cá ngừ đại dương hàng đầu Việt Nam cho biết để đạt chất lượng xuất khẩu cần được bảo quản ở độ lạnh dưới âm 600C, nhưng hiện việc bảo quản trên các tàu cá tối đa chỉ âm 450C, nên giá cá chỉ bằng 2/3 giá cá đạt chất lượng. “Nhà nước cần có sự hỗ trợ để giúp ngư dân nâng cao chất lượng bảo quản cá trên các tàu thuyền. Có như thế mới nâng cao chất lượng cá, giúp ngư dân bán được giá cao hơn và từ đó có điều kiện để bám biển”, ông Nam nói.
Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học, trên vùng biển Việt Nam có tất cả 9 loại cá ngừ với trữ lượng trên 1,1 triệu tấn/năm, trong đó, cá ngừ sọc dưa (cá ngừ vằn) chiếm trên 600 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, nghề khai thác cá ngừ hiện nay chủ yếu tập trung ở hai đối tượng là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to, trong khi trữ lượng hai loại cá ngừ này thấp, chỉ khoảng 50.000 tấn và sản lượng loài này đang giảm.
Kết luận tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng đối tượng chính để khai thác là cá ngừ vằn, sản phẩm đông lạnh vì phù hợp với nhiều thị trường thay vì cá ngừ ăn sống chỉ có thị trường Nhật và Mỹ như hiện nay.
Hiện giữa ngư dân và doanh nghiệp vẫn chưa có sự gắn kết nên vai trò nậu vựa rất quan trọng, cần thừa nhận, làm sao tổ chức phát huy họ, kết nối giữa tàu khai thác và doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ.
Tổ chức đa dạng hóa các mô hình khai thác cá ngừ như nghiệp đoàn nghề cá, tổ đội sản xuất, tàu mẹ- tàu con có sự kết hợp với tàu dịch vụ hậu cần. Đồng thời bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với ba tỉnh Nam Trung Bộ đề xuất hiện đại hóa tàu cá gắn với tổ chức lại khai thác cá ngừ theo chuỗi. Quy mô có thể nhiều hơn 30 tàu, thí điểm nhiều vật liệu vỏ tàu, nhưng phải xuất phát từ nhu cầu, ý kiến của ngư dân. Ngư dân vay tiền, tàu của người ta quyết định.
(Sài Gòn tiếp thị)