THIẾT BỊ Á CHÂU, đối tác của bạn trong lĩnh vực máy CHẾ BIẾN & ĐÓNG GÓI - Thực phẩm!

Blog

Back to Blog
Chú thích ảnh

Giao quyền quản lý cho cộng đồng


Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến, Núi Thành) vừa chính thức đi vào hoạt động sau khi Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp UBND xã Tam Tiến tổ chức công bố quyết định của UBND huyện Núi Thành vào cuối tuần qua. Đây là điểm nhấn của Quảng Nam trong thực thi Luật Thủy sản 2017 về bảo tồn biển.

Chú thích ảnh

Ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn & phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) trao đổi với báo chí về bảo tồn biển ở rạn Bà Đậu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Cộng đồng bảo vệ nguồn lợi

Ông Nguyễn Xuân Luận – Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, toàn xã hiện có 191 tàu khai thác hải sản thu hút 1.250 lao động, cung cấp ra thị trường 3.000 tấn hải sản mỗi năm.

Khu vực ven biển của xã, nhất là rạn Bà Đậu đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như ô nhiễm do chất thải; rạn san hô bị giẫm đạp và khai thác quá mức; các hình thức khai thác tận diệt như sử dụng thuốc nổ, xung điện, giã cào tiếp tục làm suy giảm chất lượng các hệ sinh thái, nguồn lợi sinh vật biển.




Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu có 43 thành viên được giao quyền quản lý 64ha mặt nước, có trách nhiệm tổ chức, quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến nuôi trồng, khai thác hải sản, du lịch, bảo vệ nguồn lợi theo luật định. Ông Nguyễn Xuân Uy – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến – Tổ trưởng Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu cho biết, việc cần làm là sẽ thả phao tiêu khoanh vùng khu vực bảo vệ rạn san hô; quy hoạch phạm vi khai thác hải sản; quy định vị trí neo đậu các phương tiện du lịch phục vụ tắm biển, lặn ngắm san hô…

Để phát triển kinh tế biển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, chính quyền địa phương lên kế hoạch dài hạn bảo vệ tài nguyên ven biển.

Được sự hỗ trợ của ngành thủy sản tỉnh, UBND huyện Núi Thành, nhất là tổ chức MCD, xã Tam Tiến đã thống nhất thành lập Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn Bà Đậu (gọi tắt là Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu) để thực hiện đồng quản lý theo Điều 10 Luật Thủy sản.

Giải pháp trên đã được các cấp, ngành của Trung ương và tỉnh đánh giá cao vì vừa bảo vệ sinh thái biển vừa phát triển sinh kế của cộng đồng bằng nghề đánh bắt hải sản có trách nhiệm và từng bước phát triển du lịch biển.

Ngày 19/7/2022, UBND xã Tam Tiến đã ra quyết định thành lập Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu do ông Nguyễn Xuân Uy – Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng.

Tổ đã xây dựng quy chế hoạt động, phương án thực hiện đồng quản lý hải sản trên cơ sở đóng góp ý kiến của người dân, cơ quan quản lý và các chuyên gia để trình UBND huyện Núi Thành thẩm định. Ngày 27/10/2022, UBND huyện Núi Thành ban hành quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu.

Kết nối thực thi chính sách

Bà Thân Thị Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) rất tin tưởng vào hoạt động chuyên nghiệp của Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu, nhất là các kỹ năng lập kế hoạch, truyền thông; giám sát, đánh giá nguồn lợi; vận động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên, sinh vật biển; kết nối thực thi chính sách bảo tồn biển ở trung ương và địa phương.

“Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu có thể bàn bạc, đưa ra các giải pháp hữu hiệu, nhất là giám sát phát triển của các loài hải sản, độ che phủ, hoạt động các rạn san hô” – bà Hiền nói.

Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản Giao quyền quản lý cho cộng đồng

Ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển rạn Bà Đậu. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ông Lê Trần Nguyên Hùng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn & phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho rằng, điểm nhấn lớn nhất trong bảo vệ nguồn lợi hải sản thời gian qua là cộng đồng được giao quyền quản lý.

Là tổ chức có cơ sở pháp lý rõ ràng, Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu cần đề xuất để Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí xây nhà cộng đồng, các cơ sở hạ tầng, vật chất khác; trang thiết bị phục vụ bảo tồn biển; chi phí đào tạo nguồn nhân lực… để chuyên nghiệp hóa hoạt động, thực thi hiệu quả trách nhiệm theo Luật Thủy sản.

Theo ông Hùng, có “4 không” mà Tổ cộng đồng rạn Bà Đậu cần chú trọng tuyên truyền, thu hút người dân, doanh nghiệp hưởng ứng và tuân thủ là không được đánh bắt hải sản bằng ngư cụ cấm; trong vùng cấm; các loài hải sản quý hiếm, nguy cấp và không đánh bắt hải sản có kích cỡ nhỏ hơn quy định.

“Quan trọng nhất là chính quyền huyện Núi Thành trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động bảo tồn biển ở rạn Bà Đậu; các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp của tỉnh, huyện cần quan tâm, gắn bó, trợ giúp; các thành viên trong tổ cần phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, năng động để bảo vệ các giá trị tài nguyên biển và vận dụng vào sinh kế bền vững” – ông Hùng nói.

Bảo Ngọc (Theo báo Quảng Nam)



Nguồn tin: vasep.com.vn

Share this post

Back to Blog
has been added to your cart.
Thanh toán