Doanh nghiệp xuất cá tra, ba sa điêu đứng vì khủng hoảng châu Âu
Nếu tình hình EU không khả quan hơn, doanh nghiệp trong ngành sẽ thu hẹp sản xuất, hoặc phải tìm thị trường mới.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra, ba sa đạt 854 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
EU, Mỹ, Asean, Trung Quốc mở rộng (bao gồm Hồng Kông), Mehico vẫn là những thị trường chủ lực của ngành cá da trơn Việt Nam.
Tuy nhiên, khủng hoảng nợ ở khu vực EU đã ảnh hưởng nặng đến hoạt động xuất khẩu của ngành này. Cụ thể, ngoại trừ tháng 2 tháng Tết có kim ngạch xuất khẩu tra-ba sa sang EU là tăng trưởng (37,4%), 5 tháng còn lại kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (giảm từ -33,4% đến – 12,5%). Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra lớn trong ngành.
Xét 5 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tra-basa lớn nhất năm 2011 gồm: Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), Công ty cổ phần Hùng Vương (mã HVG), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giag (mã AGF), Công ty cổ phần Việt An (mã AVF) và Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV). Quý II, bình quân doanh thu thuần bán hàng của 5 doanh nghiệp trên tăng 0,3%, trong đó AGF và VHC, ANV tăng, còn lại HVG, AVG là giảm so với quý II/2011.
Tuy nhiên, xét về lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp và doanh thu thuần chỉ có ANV là tăng, 4 doanh nghiệp còn lại giảm mạnh so với quý II/2011.
Các doanh nghiệp cho biết: sản lượng xuất khẩu giảm (VHC, HVG); giá bán giảm bao gồm giảm để cạnh tranh với doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề (IDI, VHC, AVF, AGF) đã làm doanh thu bán hàng trong quý II giảm so với quý II/2011.
Thêm vào đó, giá thành nuôi cá tra cao, chi phí nuôi trồng và chế biến cá tra tăng, nên đã làm giảm biên lợi nhuận gộp/doanh thu thuần của hầu hết các doanh nghiệp được thống kê.
Nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành giảm sút không chỉ do khó khăn ở đầu ra, và đầu vào, mà còn chịu ảnh hưởng của tỷ giá dù cho tỷ giá VND/USD ổn định hay VND/Euro giảm là điều mong muốn của nhiều doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá ổn định sẽ không làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp tăng do không được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá. Thống kê và giải trình của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cho thấy các doanh nghiệp này bị tổn thất khá nặng do doanh thu tài chính giảm mạnh, chủ yếu là khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá giảm.
Ngoài các yếu tố trên, chi phí lương tăng, doanh nghiệp chủ động mở rộng vùng nuôi cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong kỳ của các doanh nghiệp này.
Rõ ràng, nếu tình hình EU không khả quan hơn, các doanh nghiệp trong ngành hoặc sẽ chấp nhận thu hẹp sản xuất, hoặc phải tìm kiếm thị trường mới.
Đồng thời, với những khủng hoảng trong nội bộ ngành, cuộc cạnh tranh xuống đáy “giảm giá để cạnh tranh với doanh nghiệp cùng ngành khác”, giá thức ăn và con giống tăng, nếu không có biện pháp “nội hóa” những tác động tiêu cực này, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ tiếp tục giảm là điều khó tránh khỏi.
(TTVN)